[ https://tourmientay.net ] Tôm khô Rạch Gốc với hương vị, màu sắc rất riêng, mang đậm đặc trưng của biển, nguyên liệu chế biến từ con tôm tự nhiên được đánh bắt ngoài khơi.
Nhờ sự kết hợp hài hòa giữa rừng và biển, sự đan xen giữa hệ sinh thái mặn, ngọt và lợ làm cho hệ sinh thái vùng đất nơi địa đầu tổ quốc càng thêm đa dạng, phong phú. Hàng năm khi những cơn gió chướng thổi về (khoảng tháng 11) cũng là thời điểm nơi đây nhộn nhịp vào mùa làm tôm khô đón Tết.
Cà Mau sở hữu tài nguyên thiên nhiên độc đáo, con người Cà Mau chân thành, cởi mở và phóng khoáng, những câu vọng cổ, đờn ca tài tử mang “thương hiệu” Đất Mũi tuy dân dã, đơn sơ nhưng đượm tình xứ sở. Và Cà Mau được xem là xứ sở của nhiều đặc sản nổi tiếng như mật ong U Minh, khô bổi U Minh, ba khía…hay tôm khô Rạch Gốc của huyện Ngọc Hiển.
Tôm khô Rạch Gốc có màu đỏ hồng tự nhiên, thịt tôm khô và dẻo, có vị ngọt đậm đà, không có mùi nồng. Để làm nên con tôm khô Rạch Gốc ngon bà con Ngọc Hiển phải tuân thủ các nguyên tắc nhất định, khâu luộc tôm được xem là quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng tôm khô. Tỷ lệ muối trong khi luộc là yếu tố quyết định, phải là người có kinh nghiệm thì sản phẩm làm ra mới vừa ăn mà vẫn giữ được hương vị của tôm.
Phải canh lửa đều, sau khi luộc trong nước thật sôi từ 5 đến 6 phút, mới cho muối vào tiếp tục luộc tôm khoảng 4 phút. Nêm muối vừa tay với tỷ lệ 10kg tôm nguyên liệu – 100gr muối. Khi tôm chín có màu đỏ, thịt tôm rút lại, tách hoàn toàn với vỏ mới đem phơi. Còn khi sấy tôm phải đảo đều và sấy ít nhất 2 lần để thịt tôm khô hẳn. Để làm nên 1 kg tôm khô thành phẩm thì cần khoảng 10 kg tôm nguyên liệu.
Tuỳ mỗi cơ sở sẽ có một phương pháp, bí quyết riêng nhưng vẫn đảm bảo đúng chất lượng, hương vị tôm khô Rạch Gốc. Một cơ sở đã chia sẻ kinh nghiệm của mình, vẫn với lượng muối trên nhưng luộc tôm đất còn sống trên nồi củi khoảng 25 phút, đặc biệt không dùng nước, nhằm giữ được vị ngọt của thịt tôm.
Tôm khô Rạch Gốc chủ yếu làm từ tôm tự nhiên như tôm sắc, bạc đất và các loại tôm gai, tôm chì,… được đánh bắt từ khai thác biển như đóng đáy cạn, đáy khơi, cào… tôm khai thác từ vuông tôm.
Những ngày giáp Tết nếu du khách có dịp về thăm Ngọc Hiển sẽ bắt gặp hình ảnh nhộn nhịp của bà con nơi đây. Các cơ sở chế biến luôn tấp nập công nhân làm việc, để kịp thời cung ứng sản phẩm cho thị trường vào dịp cuối năm.
Bà con còn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến quy trình sản xuất như lò sấy, máy tách vỏ, máy phân cỡ, máy sàng lọc… để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về số lượng lẫn chất lượng tôm khô. Hiện huyện Ngọc Hiển có trên 15 cơ sở sản xuất tôm khô, thu hút hàng trăm lao động. Trong đó, 6 cơ sở được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể tôm khô Rạch Gốc.
Nghề làm tôm khô Rạch Gốc tồn tại gần nữa thế kỷ, nghề này đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.
Năm 2011, tổ hợp tác sản xuất tôm khô ra đời, đến nay có khoảng 10 thành viên. HTX không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm góp phần đưa nhãn hiệu tôm khô Rạch Gốc bước vào thị trường lớn. Trên hết, bà con đã xây dựng nên một thương hiệu tôm khô vang danh, trở thành đặc sản của vùng đất nơi địa đầu tổ quốc – đất mũi Cà Mau.
( Nguồn Sưu Tầm)