Chất dân dã của ẩm thực miền Tây

Bữa cơm của người dân miền sông nước luôn gắn với cá, bông súng, bông điên điển sẵn có, kết hợp nhiều hương vị tạo nên chất giản dị.

Nhờ mưa thuận gió hòa và phù sa bồi đắp từ sông Tiền, sông Hậu, vùng đất Tây Nam Bộ là vựa lúa lớn nhất cả nước cùng các loại cây ăn quả như chôm chôm, vú sữa, măng cụt, chuối, sầu riêng, dừa… Vì bữa cơm nơi đây đều gắn bó với cá, tôm mỗi ngày nên có câu “trên cơm, dưới cá” như một cách ví von về thói quen ăn uống của người miền Tây.

Vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, tươi mát, hội tụ đầy đủ những sắc màu của miền sông nước. Ảnh: VNAT

Vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, tươi mát, hội tụ đầy đủ những sắc màu của miền sông nước. Ảnh: VNAT

ĐBSCL cũng là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Kinh, Khmer, Chăm, Hoa… mang đến sự đa dạng trong văn hóa và đời sống tinh thần. Nếu người Việt cúng lễ bằng cơm, bánh ít, bánh tẻ, người Hoa lại cúng bằng chè ỉ (bánh trôi tàu), bánh tổ, còn người Chăm dùng bánh dipagòn – một loại bánh truyền thống được làm từ nếp trộn với cốt dừa.

Mùa nước nổi nơi đây kéo dài từ cuối tháng 7 đến tháng 11 hàng năm, kéo theo những đàn cá rô đồng, cá linh và sự sinh trưởng của bông súng, bông điên điển. Với sản vật tươi ngon sẵn có, người dân châu thổ Mekong sáng tạo nên nhiều món ăn chỉ cần nếm qua hương vị cũng khiến du khách khó quên. Trong đó, lẩu cá linh bông điên điển được dùng kèm các loại rau dân dã, đậm màu, trở thành món ăn đặc sắc nhất miền Tây.

Bữa cơm của người dân ĐBSCL thường xuyên có các món làm từ cá. Ảnh:

Bữa cơm của người dân ĐBSCL thường xuyên có các món làm từ cá. Ảnh:

Dân dã, giản dị nhưng kết hợp hài hòa nhiều hương vị là phong cách đặc trưng của ẩm thực miền Tây. Đặc biệt, người dân nơi đây luôn đẩy hương vị lên cao nhất. Ví dụ khi ăn cay phải cay đến “xé lưỡi”, như món lẩu gà ớt hiểm hay bún bò cay Bạc Liêu với ớt, sả, hồi, quế; ăn mặn như kho quẹt, ăn ngọt như chè, bánh. Người miền Tây còn có nhiều loại bánh ngọt như bánh chuối hấp, pía, bò thốt nốt Khmer, bánh đúc ngọt.

Món bún bò cay Bạc Liêu đặc trưng cho khẩu vị quyết liệt của người dân địa phương. Ảnh: rõ tên tác giả

Món bún bò cay Bạc Liêu đặc trưng cho khẩu vị “quyết liệt” của người dân địa phương. Ảnh: Lê Nguyên

Ở đây, dừa được người dân sử dụng trong nhiều món ăn như thịt kho củ hũ dừa tươi, cơm dừa tươi, chuối hầm dừa, mắm lóc chưng nước cốt dừa, cua đồng kho sả nước cốt dừa, ốc len xào dừa…

Chao cũng là một nguyên liệu quen thuộc trong bữa cơm của người dân Tây Nam Bộ, được dùng chế biến các món kho, nướng và lẩu. Nhờ vị béo đặc trưng của đậu hũ lên men, chao còn được gọi là “phô mai châu Á”. Trong những món ăn dùng chao, phải kể tới lẩu vịt nấu chao, với thịt vịt ninh nhừ mềm, khoai môn dẻo bùi, nước thơm dậy mùi với vị béo của chao, cân bằng với rau muống mát ngọt.

Người dân Nam Bộ còn có biệt tài biến tấu nhiều món ăn khác nhau chỉ từ một nguyên liệu. Ví dụ, chỉ với cá lóc, có thể ra các món: khô cá lóc, bánh canh cá lóc, cá lóc đắp bùn, cá lóc nướng trui, cá lóc hấp, canh chua cá lóc, cá lóc kho, mắm cá lóc…

Dừng chân tại An Giang, du khách nên thử bún cá Long Xuyên, với những miếng cá vàng ươm, nước dùng vàng óng từ củ ngải bún, cá lóc béo, cùng các loại rau địa phương như bông điên điển. Điểm đặc biệt của món ăn nằm ở mắm ruốc, được chế biến cầu kỳ bằng cách bọc trong lá chuối và đem nướng đến khi hương thơm xông lên ngào ngạt. Khi ăn nóng, bát bún cá sẽ ấn tượng hơn.

Bún quậy Kiên Giang là một trong những món gây tò mò cho thực khách khi đến miền Tây. Bún phải ăn kèm với nước chấm tự pha, gồm quất, ớt, đường, bột ngọt, sau đó quậy lên đều để gia vị hòa tan, sánh lại và chuyển màu cam. Để món ăn thêm đa dạng, người ta còn cho thêm nhiều loại topping như chả cá thác lác, tôm tươi, tôm khô, kết hợp với nước dùng thanh ngọt tạo hương vị giản dị nhưng ấn tượng.

Trong chuyến du ngoạn ẩm thực miền Tây, không thể bỏ qua các loại mắm Châu Đốc – đặc sản cầu kỳ bậc nhất vùng sông nước An Giang. Với lịch sử 150 năm làm mắm, người Châu Đốc cho ra đời hàng trăm loại mắm có hương vị đặc trưng khác nhau, được làm từ: cá linh, cá sặc, cá lóc, ba khía, cá trèn…

Mắm nơi đây không chỉ nổi tiếng, còn trở thành biểu tượng ẩm thực miền Tây. Để hương vị mắm Châu Đốc được trọn vẹn nhất, du khách có thể dùng trực tiếp, khi đó, vị ngọt thuần túy của các loại cá, tôm kết hợp với cách nêm nếm gia vị đặc trưng sẽ hòa quyện vào nhau. Ngoài ra, mắm còn được chế biến những món ăn khác như mắm kho, lẩu mắm, bún mắm…

Điểm chung trong hầu hết món ăn miền Tây là nguyên liệu được nêm nếm và tẩm ướp gia vị kỹ càng, kích thích tất cả giác quan. Với bộ sản phẩm nước tương, dầu hào, hạt nêm Maggi, ai cũng có thể tự tay chế biến những món đặc sản đúng vị, đậm đà, chứa đựng linh hồn ẩm thực Việt.

Với người Tây Nam Bộ, món ăn không chỉ là để thưởng thức, còn để gửi gắm tâm tình và văn hóa của người dân nơi miệt vườn sông nước.

Thanh Thư