So với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Trần Văn Thời được thiên nhiên ưu đãi khi có 2 hệ sinh thái mặn – ngọt, có rừng tràm bạt ngàn, biển cả mênh mông; có đồng ruộng, vườn cây ăn trái và nhiều loài thuỷ sản nước ngọt – mặn – lợ. Xác định phát triển du lịch theo hướng sinh thái, cộng đồng, là hướng đi khẳng định hiệu quả, huyện đã và đang đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch có sức hút mạnh mẽ từ nguồn tài nguyên quý báu; trong đó, chú trọng khai thác các sản vật địa phương thành các sản phẩm quà tặng đặc sắc, hấp dẫn du khách.

 

Thị trấn Sông Ðốc được ví như thủ phủ của các loại khô hải sản. Nghề làm khô cá cơm cũng rất phát triển. Tuy là món ăn dân dã, nhưng khô cá cơm được du khách ưa chuộng và đã được xuất ngoại.

Chị Nguyễn Thị Bích Tiền, Vựa khô Kiều Nương 2 (Anh – Tiền), vựa khô có tiếng ở thị trấn Sông Ðốc, cho biết: “Các sản phẩm chủ lực của vựa là mực khô, cá mối, cá đuối, bánh tráng mực… được đóng gói kỹ, bảo quản kho lạnh, sẵn sàng phục vụ khách sỉ – lẻ, khách du lịch, đặc biệt là xuất khẩu”.

 

Cách chế biến các loại khô đều nhanh, đơn giản, chỉ cần nướng hoặc chiên trên lửa nhỏ là dùng được.

 

Ðược làm từ hải sản tươi sống nên các loại khô được nhiều du khách ưa chuộng.

 

Mật ong rừng U Minh Hạ hấp dẫn bởi vị ngọt thanh tinh khiết, được khai thác dưới những tán rừng tràm bạt ngàn, gắn liền với nghề gác kèo ong truyền thống, nghề được công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

 

Tinh dầu từ tràm, sả được ông Huỳnh Khánh Lập (ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) chưng cất thủ công nên có hương thơm đặc trưng, vừa giúp thư giãn, xua đuổi côn trùng, vừa là dược liệu làm đẹp. Hiện các loại tinh dầu này đang được người dân và khách du lịch ưa chuộng.

Theo BĂNG THANH – LÊ TUẤN (Báo Cà Mau)