Cụm hòn Ðá Bạc (hòn Ông Ngộ, Hòn Trụi và hòn Ðá Bạc) diện tích khoảng 6,43 ha, thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Ðây là đảo nằm gần bờ nhất (khoảng 500 m) và mang nhiều truyền thuyết kỳ bí nhất vùng ven biển Tây Cà Mau.

 

Hòn Ðá Bạc có nhiều hòn đá lẻ (đá trứng) nhô lên từ phía biển bao bọc quanh hòn, khi ánh mặt trời chiếu rọi vào những viên đá nhấp nhô mặt nước, tạo thành những bãi đá bạc trắng rất đẹp. Theo các nhà địa chất, hòn Ðá Bạc hình thành hơn 100 triệu năm.

Hòn Ðá Bạc có nhiều hòn đá lẻ (đá trứng) nhô lên từ phía biển, bao bọc quanh hòn. Khi ánh mặt trời chiếu rọi vào những viên đá nhấp nhô trên mặt nước, tạo thành những bãi đá bạc trắng rất đẹp.

Ðá Bạc được mệnh danh là “chốn tiên cảnh” kỳ bí bởi tạo hoá. Trên hòn có nhiều viên đá mang hình thù độc đáo như: cụm Hòn Trụi nhô lên từ biển chỉ toàn đá, không có sinh vật sinh sống; Bàn Tay Tiên là khối đá tự nhiên có hình dáng như bàn tay giơ thẳng lên trời, mu bàn tay hướng ra biển, lòng bàn tay quay vào núi như che chở hòn Ðá Bạc trước phong ba bão tố. Ðặc biệt, trên đỉnh cao nhất của hòn có cái giếng nhỏ, hình bàn chân, nên dân gian thường gọi là Bàn Chân Tiên, Giếng Tiên…

Mặt trời lặn trên đỉnh Hòn Trụi.

Ðá Bạc còn là nơi hội tụ tâm linh, bởi trên hòn có điện Tam Thanh, hang Ông Cọp…, đặc biệt là Lăng Ông Nam Hải, nơi ghi chép lời tường thuật của ngư dân về cá Ông (cá voi) cứu người gặp nạn trên biển và thờ bộ xương cá Ông lớn nhất vùng biển Tây Cà Mau. Ngày 23/5 âm lịch hàng năm, nơi đây diễn ra Lễ hội Nghinh Ông để cầu cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, đánh bắt được nhiều tôm cá.

Huyền thoại Bàn Tay Tiên nằm phía trái từ đất liền ra.

Bộ xương cá Ông còn nguyên vẹn lớn nhất Cà Mau tại Lăng Ông Nam Hải – nơi mang đậm tín ngưỡng tâm linh của người dân xứ biển.

Không những kỳ bí, huyền thoại và tâm linh, hòn Ðá Bạc còn in đậm chiến công của quân dân ta trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Ðặc biệt, trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nơi đây ghi dấu chiến công vẻ vang của ngành an ninh Việt Nam từ năm 1981-1984 trong Chuyên án CM12 đánh bại cuộc nhập biên phá hoại, âm mưu lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa của các đối tượng lưu vong nước ngoài kết hợp với thế lực phản động trong nước do Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh cầm đầu.

Ngày 22/6/2009, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã công nhận di tích hòn Ðá Bạc – Trung tâm chỉ huy Kế hoạch phản gián CM12 (9/9/1981-9/9/1984) là Di tích lịch sử quốc gia./.

Theo Báo Cà Mau