TPO – Hàng năm vào thời điểm này, nước đã tràn ngập khắp cánh đồng miền Tây. Còn năm nay dù sắp vào mùa nước nổi, đồng ruộng vẫn khô cằn khiến đời sống người dân vùng lũ gặp không ít khó khăn.

Những ngày này, đi dọc các tỉnh đầu nguồn biên giới Tây Nam như: An Giang, Đồng Tháp, Long An… sẽ bắt gặp cảnh đồng ruộng khô cằn, nhiều tuyến kênh cạn khô, ngư cụ treo lơ lửng trong nhà, xóm làng đìu hiu thay cho cảnh đông vui như những năm trước.

Sáng 27/6, phóng viên Tiền Phong có mặt tại cánh đồng ở khu vực biên giới, cách ranh giới Campuchia chưa đầy 2km chứng kiến cảnh đồng ruộng khô cằn thay vì ngập nước như mọi năm. Nước dưới các con rạch, sông thấp khác thường. Trên đồng ruộng, đàn bò đang tha thẩn gặm cỏ thay vì hình ảnh những chiếc xuồng câu, lưới quen thuộc như ngày nào.

Năm trước, thời điểm này mực nước dâng cao khiến cho đồng ruộng ngập sâu, nhiều xóm nhà phải chạy lũ, kèm theo đó người dân vùng rốn lũ hối hả ra đồng đánh bắt cá. Nhưng bây giờ đã khác, đồng cạn kiệt chẳng khác gì mùa khô. Dân sống nghề câu lưới trở nên ngày càng khó khăn.

Miền Tây kiệt chưa từng có - ảnh 1Cánh đồng giáp biên giới Campuchia khô cằn 

Ông Đặng Văn Vệ, 68 tuổi ở ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội (An Phú, An Giang) chuẩn bị dàn lưới dài hơn 1000m mới toanh đợi lũ về giăng nhưng đến nay vẫn còn cất trong tủ. Ông cho biết, hàng năm đến mùng 5 tháng 5 âm lịch là nước bắt đầu lên, đến giờ là hơn 1m nước. Còn năm nay, dù trễ hơn 1 tháng “mà nước vẫn không thấy đâu”.

“Tôi sống ở đây từ nhỏ đến giờ chưa năm nào thấy tình trạng nước về muộn như năm nay, mùa lũ mà đồng ruộng khô cằn như tháng hạn (tháng 2 -3 âm lịch)”, ông Vệ nói.

Cùng ấp, gia đình bà Nguyễn Thị Thương đang cặm cụi làm lọp cua. Bà Thương cho biết, sống nghề này mấy chục năm nhưng chưa khi nào tình trạng nước kiệt như năm nay. “Cả gia đình sống bằng nghề này, nước không về thì chỗ đâu đặt rồi lấy gì sống”, bà Thương than thở.

Để chuẩn bị cho mùa lũ này, bà Thương đầu tư gần 500 lọp cua với chi phí gần 20 triệu đồng, chưa kể vợ chồng con gái cũng đầu tư ngần ấy lọp. “Tới đâu hay tới đó chứ biết làm sao nhưng đầu tư vào mấy chục triệu mà không đặt được nên cảm thấy lo lắng”, bà Thương bộc bạch.

Ông Phạm Văn Được ở ấp Bắc Đai, xã Nhơn Hội (An Phú) cùng vợ đang chở 300 cái lọp cua đi giao cho khách. Ông buồn bã nói: “Đầu tư 300 cái lọp mấy tháng trước để mùa lũ đặt nhưng hơn tháng nay không có miếng nước lên đồng lấy gì đặt. Bây giờ buộc phải bán để đi làm thuê sống”, ông nói.

Miền Tây kiệt chưa từng có - ảnh 4 Ông Vệ với tấm lưới mới toanh

Miền Tây kiệt chưa từng có - ảnh 5Bà Nguyễn Thị Thương đang làm lọp cua 

Miền Tây kiệt chưa từng có - ảnh 6Ông Phạm Văn Được bên dàn lọp chuẩn bị bán 

Nguy cơ mất mùa nước nổi

Theo thông báo của Ủy hội sông Mê Kông (MRC), nước sông Mê Kông vào đầu mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 7 năm nay đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, xuống dưới cả mức tối thiểu trong lịch sử.

Đoạn từ Chiang Saen ở phía bắc Thái Lan, đến Luang Prabang, Vientiane, Lào và Neak LuongCampuchia, mực nước sông Mê Kông đều đang ở dưới mức thấp kỷ lục của năm 1992.

Ở Chiang Saen, mực nước sông hiện tại là 2,1 m, thấp hơn 3,02 m so với mức trung bình cùng kỳ trong suốt 57 năm qua (từ 1961-2018) và thấp hơn 0,75m so với mức nước tối thiểu từng đo được trong 57 năm đó.

Theo trang tin của Đài Tuyền hình Thai PBS, mực nước Mekong ở vùng Tam Giác Vàng ngày 19/7 đang ở mức thấp nhất so với mức thấp kỷ lục năm 1973 .

Miền Tây kiệt chưa từng có - ảnh 7Người dân chỉ mớn nước đỉnh lũ năm ngoái cao gần 2m 

Miền Tây kiệt chưa từng có - ảnh 8Xuồng giăng câu lưới nằm bờ 

Miền Tây kiệt chưa từng có - ảnh 9Nước trong kênh nội đồng khô cạn 

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là do lượng mưa ít từ đầu năm đến nay và hiện nay theo dự báo của Cơ quan Khí quyển và Đại dược quốc gia Hoa Kỳ thì tình trạng El Nino sẽ còn kéo dài đến 1-2 tháng nữa mới chuyển sang ENSO trung tính, nên lượng mưa sẽ còn thấp.

“Hiện nay chúng ta đang trong loại năm khô hạn, do đó các đập thủy điện đang làm cho tình hình tồi tệ thêm”, Chuyên gia Thiện nói, đồng thời ông lưu ý rằng thủy điện không phải là nguyên nhân ban đầu, mà là nguyên nhân thứ hai làm cho tồi tệ thêm.