Chợ nổi Cái Răng là chợ nổi chuyên trao đổi, mua bán nông sản, các loại trái cây, hàng hóa, thực phẩm, ăn uống ở trên sông và là điểm tham quan đặc sắc của quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.

Nét độc đáo và đặc điểm chính của chợ nổi Cái Răng là chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thuở xưa, chợ nổi hình thành là vì đường bộ và phương tiện lưu thông đường bộ chưa phát triển, trong khi đó nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, người ta tụ tập trên sông và bằng các phương tiện như xuồng, ghe, tắc ráng…. Ngày nay, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp nơi nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và phát triển ngày một sầm uất hơn.

Về nguồn gốc tên gọi “Cái Răng”, DL Việt Promotion giải thích :
“Chợ nổi Cái Răng có rất nhiều câu chuyện giải thích, nhưng có một câu chuyện dân gian nổi tiếng nhất, đó là ngày xưa, vùng tây Nam Bộ là một vùng đất vô cùng nhiều thuồng luồng, cá sấu, cá dữ rất nguy hiểm.

Ngày nọ, có một anh chàng khỏe mạnh cưới một cô gái. Họ rước nhau bằng thuyển, nhưng khi đến một khúc sông nọ, chẳng may họ bị một con cá sấu hung dữ tấn công và ăn mất cô gái nên anh rất tức giận và anh tìm cách giết con cá sấu.
Khi giết được con cá sấu, anh chặt thành từng khúc nhỏ. Răng con cá sấu rơi ra, trôi theo dòng nước và khi đến nơi đây, người dân thấy cái răng cá sấu nên đặt tên là “Cái Răng”.
Và có những vùng khác đặt tên theo từng bộ phận bị cắt ra và trôi dạt của con cá sấu, ví dụ như có nơi được gọi là “Cầu Đầu Sấu”, có nơi gọi là “Đuôi Sấu”. Đó là tích dân gian truyền miệng và thu hút khách du lịch.

Nhưng cái tên được gọi là khoa học nhất và được nghiên cứu là xuất phát từ tên “Cà ràng”. “Cà ràng” là tiếng của người Khmer để chỉ một cái bếp để ngày xưa nấu trên tầu thuyền và có ba chân.
Và với tính chất đong đưa nước như này, khi nấu nướng trên tầu, thì chỉ có cái cà ràng là vật chắn gió và chắc chắn nhất để họ nấu nướng trên tầu. Ngày xưa, đây là nơi trao đổi rất nhiều cà ràng. Và cà ràng đọc chại là “Cái Răng” ngày nay”.

Sưu tầm