Ở nước ta, duy nhất tên một Thái Hậu của triều đình phong kiến được đặt cho một cơ quan, đó là Bệnh viện Từ Dũ. Thái Hậu Từ Dũ là mẹ vua Tự Đức. Bà được nhân dân tôn vinh, truyền tụng vì bà là người phụ nữ nhân cách cao quý của miền Tây Nam Bộ, chính trực, một người mẹ đã từng “dạy con làm vua”!

Thái hậu Từ Dũ tên thật là Phạm Thị Hằng, tên tự Nguyệt, Thường hoặc Hào, là con của Thượng thư bộ Lễ Phạm Đăng Hưng, sinh ngày 20/6/1810, tại Sơn Quy, làng Gò Công, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định nay là Tiền Giang.

Từ nhỏ bà Hằng là người thông minh, ham đọc sách, thông kinh sử, lớn lên trong nền nếp đạo đức nho phong của gia đình. Vì vậy, năm lên 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu Trần Thị Đang, vợ kế của vua Gia Long, tuyển triệu vào hầu Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông, con vua Minh Mạng.

Năm 15 tuổi, bà sinh con gái đầu lòng là Diên Phúc công chúa Nguyễn Phúc Tĩnh Hảo. Năm sau, bà lại sinh cô công chúa thứ 2 là công chúa Nguyễn Phúc Uyên Ý.

Ngày 22/9/1829, bà sinh người con thứ 3 là trai, đặt tên là Nguyễn Phúc Thì tức Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, chính là vua Tự Đức sau này.

Đến năm 1847, vua Thiệu Trị mất, con bà là Hồng Nhậm được chọn nối nghiệp, tức vua Tự Đức.

Trong số những công lao của bà Từ Dũ, phải nhắc đến công lao bà đã nuôi dạy vua Tự Đức để ông trở thành một trong những ông vua giỏi thơ văn, hay chữ bậc nhất trong lịch sử các vị vua phong kiến ở nước ta.

Dạy con làm vua

Vua Tự Đức được mẹ giáo dục kiến thức, lễ giáo từ nhỏ. Bà là người thầy quyết định sự hình thành tri thức cũng như đạo lễ và nếp sinh hoạt Nho giáo, khuôn phép của vua sau này. Chính vì vậy mà Hồng Nhậm tuy nhỏ tuổi hơn, nhưng vẫn được vua Thiệu Trị chọn làm người kế vị. Từ nhỏ Hồng Nhậm đã chăm đèn sách, dùi mài kinh sử, khi đã thành vua, tuy việc nhiều, ông cũng vẫn dành thời gian để học hành.

Từ Dũ thường dặn con: “Người ta có học rồi mới biết thiện ác… Phải nhớ câu: Nhân bất học bất tri đạo” (người không học thì không biết đạo lý). Khi đã là vua, tối tối Tự Đức có lệ đọc kinh sử cho mẹ nghe. Đến đoạn quan trọng, bà thường phân tích cho vua biết những ý tưởng sâu xa, những kinh nghiệm để điều hành triều chính.

Theo Đại Nam chính biên liệt truyện (dẫn theo nhà nghiên cứu Thái Bình), bà Từ Dũ còn can gián vua biết trọng dụng người trung thực, người tốt. Chuyện rằng, khi mới lên ngôi, vua Tự Đức có nhiều lúc xao lãng công việc triều chính. Quan trong triều không ai dám can ngăn. Chỉ có Phạm Phú Thứ dâng sớ trách vua. Vua Tự Đức tuổi còn trẻ nên rất bực tức, liền cách chức Phạm Phú Thứ, đuổi về làm lính. Chuyện đến tai bà Từ Dũ.

Bà hỏi vua: “Ông Phạm dâng sớ khuyên con thì ông được cái gì?”.

Tự Đức thưa: “Dạ, ông không được gì, nhưng con thấy làm bề tôi mà trách vua thì quá đáng lắm”. “Thế khi bị con giáng chức, xuống làm lính, ông Phạm có oán giận gì không?”. “Con không nghe có chuyện ấy”.

Bà Từ Dũ từ tốn giải thích cho vua: “Thế thì người này đáng trọng lắm. Dâng sớ trách như vậy là vì có lòng thương vua. Lúc bị nạn lại chỉ cam chịu, mà không đem lòng oán giận, thì theo mẹ đấy là người chính trực, trung thành. Con nên nghĩ lại. Đất nước cần những người như thế”.

Vua Tự Đức nghe ra, liền xuống chiếu ân xá, triệu Phạm Phú Thứ về kinh, giao chức vụ mới.

Năm 1858, Tự Đức bàn với triều thần phá lệ cũ, phong Hoàng Thái Hậu cho mẹ (triều Nguyễn có lệ không lấy Trạng nguyên, không phong Hoàng hậu) nhưng bà Từ Dũ hai lần từ chối. Bà giải thích với triều thần một cách tỉnh táo và tâm huyết: “Tăng thêm hư danh cho đẹp đẽ trong tình cảnh đất nước như bây giờ, thì cũng bằng làm tăng cái thất đức của ta mà thôi… Ta chỉ mong các khanh hết sức giúp vua, khiến ta ngày càng thấy sự đổi mới của đất nước, thì không có cái vinh nào hơn thế!”. Năm bà 60 tuổi (1870) bà mới nhận tấn phong, nhưng bảo không được tổ chức lễ lạc tốn kém.

Bà thường hỏi han nhà vua về việc dùng người, dặn vua phải cảnh giác với bọn quan lại tham ô: “Từ xưa đến nay, nói đến quan lại thì chỉ một chữ tham là chưa trừ được. Mọt nước hại dân là ở đấy. Quan lại bổ ra tỉnh, khi về vị nào vị nấy chở đầy túi. Của ấy không lấy ở dân thì lấy đâu ra?”. Bà thường khuyên vua: “Phép giữ nước là phải được lòng người. Muốn được lòng người thì phải đặt quan lại cho xứng chức, dân mới lạc nghiệp. Dùng người tốt mới có lợi cho đất nước”.

Có lần, có người trong họ Phạm từ Gò Công ra Huế cầu xin vua ban cho một chức tước. Bà nổi giận bảo vua: “Người trong họ của mẹ, hễ không có công lao gì thì không được ban cho tước lộc. Hễ ai làm gì trái phép nước thì cứ nghiêm trị như thường, để làm gương công minh”.

Bà Từ Dũ luôn hướng vua đến việc bảo vệ văn hóa dân tộc, nhớ về cội nguồn của mình. Tự Đức là một nguời rất mê hát bội (tuồng). Một lần vua cho Đội tuồng cung đình diễn vở Tàu chuyện Phàm Lê Huê giết cha, giết anh. Bà Từ Dũ ngồi xem, nghiêm mặt bảo: “Sao lại diễn ra quá kỹ cái trò thất đức như vậy? Con giết cha, em giết anh thì còn gì là đạo lý nữa? Nước mình khác, nước người khác, không được bắt chước mà diễn xằng bậy!”. Vua Tự Đức phải nhận lỗi trước mẹ!

Thái hậu Từ Dũ là người phụ nữ có tấm lòng và nhân cách sống cao cả, xứng đáng lưu danh sử sách.

Hay như ở Gò Công hiện còn lưu truyền mấy câu thơ ca ngợi đức tính tốt đẹp của bà và nhắc việc bà được tiến cung:

“Trời xanh quốc mẫu nết na hiền,
Thuở tuổi mười hai đã tự nhiên.
Giồng lệ thủy tượng trưng thánh chúa,
Gò Sơn Qui triệu ứng thiên duyên”

Thái hậu Từ Dũ mất ngày 12/5/1902, thọ 92 tuổi. Bà được dâng tên thụy là Nghi thiên tán thành, Từ Dụ Bác huệ trai túc tuệ đạt thọ đức nhân công Chương hoàng hậu, gọi tắt là Từ Dụ Nghi thiên Chương hoàng hậu.

Lăng Thái Hậu Từ Dũ

Ngày 20/5/1902, triều đình cử hành đại lễ an táng bà gần phía sau bên trái Xương Lăng – lăng của vua Thiệu Trị và có tên là Lăng Xương Thọ.

Hiện nay, toàn thể khu lăng này tọa lạc tại chân một dãy núi Thuận Đạo, thuộc làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, Huế, cách Kinh thành Huế chừng 8 km.